90% ung thư cổ tử cung có thể chữa nếu phát hiện sớm
Nhận tin bị ung thư cổ tử cung, chị Lệ Thu (26 tuổi, TP HCM) nghĩ ngay đến cảnh phẫu thuật cắt bỏ khối u trong cơ thể. Chị sốc, mường tượng ra cuộc sống bất hạnh sau này nếu may mắn sống sót. Chồng ruồng rẫy vì vợ khuyết tử cung, không thể sinh con. Thiên chức làm mẹ sẽ không đến lượt người phụ nữ mới 26 tuổi. Giống như chị Thu, nhiều bệnh nhân khác đều chung tâm trạng như nhận bản án tử.
Tuy nhiên, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Phó chủ nhiệm bộ môn ung thư, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, giai đoạn tiền ung thư hoặc xâm lấn sớm, có thể chữa khỏi mà vẫn giữ được tử cung và buồng trứng, bảo tồn chức năng nội tiết và sinh sản. Còn với giai đoạn muộn, điều trị triệt để bằng phẫu thuật hay hóa, xạ trị không giữ được chức năng của hai cơ quan này, mất cơ hội sinh con. Song bệnh nhân có thể thảo luận với bác sĩ để lưu trữ trứng trước khi điều trị, nhờ mang thai hộ sau này.
Thời gian hình thành ung thư cổ tử cung kéo dài khoảng 5-20 năm. Nhiều người chẩn đoán mắc bệnh ở tuổi 40, nhưng mầm mống virus HPV đã âm thầm tồn tại trong cơ thể từ thời thiếu nữ. Theo bác sĩ Linh, phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao.
Giai đoạn tiền ung thư: Giai đoạn chớm nở này còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Các tế bào bất thường mới xuất hiện trong lớp lót bề mặt của cổ tử cung, chưa ăn sâu xuống mô chính và chưa lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Bác sĩ có nhiều phương pháp chữa trị tại chỗ mà vẫn giữ được chức năng tử cung và buồng trứng như khoét chóp (cắt một phần nhỏ cổ tử cung theo hình nón), phẫu thuật bằng vòng cắt đốt, lazer, hoặc đông lạnh tế bào ung thư bằng dung dịch nitơ lỏng…
Giai đoạn I: Tế bào ung thư đã xâm lấn mô chính của cổ tử cung, song vẫn chưa khu trú sang cơ quan khác. Bác sĩ sẽ quyết định cắt một phần hay toàn bộ tử cung, hoặc xạ trị. Các mô sẹo để lại sau phẫu thuật có thể gây hẹp cổ tử cung, ngăn chặn tinh trùng và trứng gặp nhau. Nếu cắt bỏ quá nhiều mô, phụ nữ mang thai trở lại có nguy cơ dọa sảy.
Giai đoạn II-III: Khối ung thư bắt đầu lan đến âm đạo cũng như các mô xung quanh cổ tử cung, xa hơn nữa có thể ra khắp vùng chậu. Điều trị chính bằng xạ trị phối hợp với hóa trị, không bảo tồn được chức năng sinh sản. Một số trường hợp có thể phẫu thuật nhưng thường phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng, kết hợp thêm xạ và hóa trị.
Giai đoạn IV: Khối u lan ra ngoài vùng chậu đến các bộ phận gần đó như bàng quang, trực tràng hoặc di căn đến các cơ quan xa phổi, gan, xương…. Lúc này, điều trị khỏi rất khó khăn, chủ yếu nhằm kéo dài thời gian sống và giảm triệu chứng.
Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa HPV và khám phụ khoa định kỳ.
|
Bệnh càng tiến triển thì kỹ thuật điều trị càng phức tạp, gây đau đớn, chi phí tốn kém, thời gian sống giảm đi, khả năng khỏi bệnh thấp. Bác sĩ Linh cho biết, tỷ lệ khỏi ở giai đoạn tiền ung thư là 100%. Ở giai đoạn I, tỷ lệ đạt 85-90%, giảm dần đến giai đoạn II còn 50-75%, giai đoạn III 25-40% và chỉ có dưới 15% người bệnh ở giai đoạn IV còn sống sau 5 năm.
Dù không cắt bỏ tử cung, bệnh nhân vẫn đối diện với nguy cơ vô sinh nếu phải xạ hoặc hóa trị. Các tia bức xạ phát ra và hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư đều có thể phá hủy trứng. Người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ, chọn phương pháp tối ưu, lưu trữ thêm buồng trứng... Ngoài ra, cần chủ động chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virus HPV, vì chúng có nguy cơ mắc chứng đa gai bướu cổ, suy hô hấp.
Việt Nam có khoảng 38 triệu nữ giới trên 15 tuổi có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Bác sĩ khuyên, nữ giới nên khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư hàng năm để phát hiện bệnh từ giai đoạn tiền ung thư. Ngoài ra, mọi người nên sinh hoạt tình dục lành mạnh, tiêm vắcxin phòng virus HPV. Ngoài cổ tử cung, vắcxin ngừa HPV còn ngăn được bệnh sùi mào gà, ung thư dương vật, âm hộ, âm đạo…
An San
Để nhận tư vấn về biện pháp phòng ngừa ưng thư cổ tử cung, liên hệ bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện phụ sản, đơn vị y tế dự phòng, Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc hotline miễn phí 1800 545459.
Nguồn: suckhoe.vnexpress.net