Nhiều chị em lơ là phòng ngứa ung thư cổ tử cung
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM, việc tầm soát bằng xét nghiệp Pap đã thực hiện trên 70 năm nay tại một số quốc gia. Văcxin ngừa ung thư cổ tử cung cũng đã được dùng trên 10 năm. Nhưng số người đi tiêm ngừa, tầm soát ung thư cổ tử cung ở Việt Nam khá khiêm tốn. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi có tiêm ngừa (9-26) là dưới 5%, còn số phụ nữ trong độ tuổi tầm soát (trên 21) được tầm soát khoảng dưới 10% (Số liệu của ICO Information Centre on HPV and Cancer, tỷ lệ nữ Việt Nam 25-64 tuổi có tầm soát là 6,5%).
Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp, đứng hàng thứ tư ở phụ nữ. Mỗi năm, có trên 5.000 người mắc mới, đa phần phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị tốn kém nhưng hiệu quả không cao. Nếu không kiểm soát được bệnh sẽ dẫn đến tử vong. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như Bắc Âu, Australia… tỷ lệ tiêm ngừa và tầm soát cao, lên đến 70-80%, số ca mắc bệnh và tử vong trên 100.000 phụ nữ thấp, chỉ bằng phân nửa ở Việt Nam.
Phụ nữ có thể chủ động phòng ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm văcxin ngừa HPV và khám phụ khoa định kỳ.
|
Bác sĩ Linh cho biết, không ít chị em lơ là phòng ngừa vì nhiều lý do, như lo sợ tác dụng phụ của tiêm ngừa, tầm soát; e ngại tầm soát, mắc cỡ khi khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát. Chi phí cũng là một trở ngại vì tiêm văcxin giá thành còn tương đối cao, 3-4 triệu đồng cho một lộ trình; tầm soát thì chi phí thấp hơn nhưng cũng là áp lực tài chính với một số người. Việc tiêm ngừa và tầm soát mất nhiều thời gian. Một số nơi vùng sâu, vùng xa, các sơ sở y tế chưa đủ trang thiết bị thực hiện.
Bên cạnh đó, không ít chị em mang tâm lý trì hoãn, cho rằng chưa quan hệ tình dục hoặc tình dục an toàn sẽ không bị nhiễm HPV. Song, thực tế, HPV được phát hiện trong âm đạo của nhiều bé gái (10-12 tuổi) trước khi họ quan hệ tình dục lần đầu.
Chủng ngừa siêu vi HPV là một trong những cách phòng ngừa bệnh.
|
"Chứng kiến nhiều trường hợp mắc phải căn bệnh quái ác này, điều làm tôi trăn trở nhất là người ta biết và hiểu về nó, nhưng lại không hành động ngay để đề phòng. Điều trị ung thư cổ tử cung tương tự như các bệnh ung thư khác, một liệu trình kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần, tài chính của người bệnh. Những tổn thất đó có thể phòng bằng cách đi tiêm ngừa", bác sĩ Linh nói.
Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM đánh giá, tiêm ngừa và tầm soát rất hiệu quả trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Chị em phụ nữ thực hiện tùy theo điều kiện của mình. Văcxin hiện nay ngừa được các chủng vi rút gây ra trên 70% ung thư cổ tử cung, tiêm cho phụ nữ 9-26 tuổi, với ba mũi trong sáu tháng.
Mọi phụ nữ có quan hệ tình dục nên tầm soát, kể cả những ai đã tiêm ngừa. Tầm soát thực hiện định kỳ từ sau 21 tuổi bởi nhiều phương pháp, chủ yếu vẫn là xét nghiệm Pap. Ngoài Pap smear (tế bào cổ tử cung), gần đây, phương pháp xét nghiệm HPV cũng được dùng để tầm soát soát ung thư cổ tử cung cho người trên 25 tuổi. Nhìn trực tiếp cổ tử cung với acid acetic cũng có thể giúp phát hiện tổn thương tiền ung thư. Nếu điều trị ở giai đoạn này thì tránh được nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, khi có các dấu hiệu bất thường về phụ khoa như: ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục, ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh, huyết trắng kéo dài… chị em phải đến khám bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.
An Tâm
Để nhận tư vấn về virus HPV và biện pháp phòng ngừa, liên hệ bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện phụ sản, đơn vị y tế dự phòng, Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc hotline miễn phí 1800545459.
Nguồn: suckhoe.vnexpress.net
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét